Máy bơm đa năng do Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung chế tạo để cứu ngập úng cho TPHCM. Nguyễn Tăng Cường - TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Ninh Bình) cam kết về việc giúp “TPHCM không hết ngập không lấy tiền”, một số người cho rằng vị này “chém gió”. Nhiều đồng nghiệp khi chứng kiến doanh nghiệp ông thi công các công trình quan trọng của đất nước như thuỷ điện Sơn La, Lai Châu… thì buông: Lão này là người nói được, làm được.
Sau tuyên bố của doanh nhân Nguyễn Tăng Cường - Tổng giám đốc Cty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Ninh Bình) về việc giúp “TPHCM không hết ngập không lấy tiền”, một số người cho rằng vị này “chém gió”. Nhiều đồng nghiệp khi chứng kiến doanh nghiệp ông thi công các công trình quan trọng của đất nước như thuỷ điện Sơn La, Lai Châu… thì buông: Lão này là người nói được, làm được.
Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng
Trò chuyện với Tiền Phong, ông Nguyễn Tăng Cường cho biết: Đầu tháng 10/2016, TPHCM xảy ra trận mưa lịch sử trong vòng 40 năm trở lại đây, khiến nhiều khu vực bị ngập úng nghiêm trọng, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Sở GTVT TPHCM đã tổ chức cuộc họp khẩn để tìm cách khắc phục hậu quả. Tại cuộc họp, tôi đề xuất một giải pháp được cho là độc đáo và mạo hiểm: Chỉ cần đưa máy bơm đa năng đặt tại một số vị trí để bơm nước mưa ra sông là thành phố hết ngập.
Người dân khốn khổ trong cảnh ngập lụt ở Hồ Chí Minh
Theo ông Cường, với giải pháp này, thành phố không cần lo chuyện vớt rác, cũng không cần tốn tiền đào đường để lắp cống mới. Theo đó, hệ thống máy bơm đa năng hoạt động bằng dầu hoặc điện, được đặt tại các cửa xả nước tiếp giáp với sông, vừa có thể hút nước với công suất 96.000 m3/h, vừa có thể tự động vớt bùn, rác thải, đưa vào xe chuyên dụng mang đến nơi thu gom.
Ông Nguyễn Tăng Cường - TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung
Chỉ tính riêng việc máy bơm hút rác tắc đọng tại hệ thống cống rãnh sẽ giúp giảm chi phí hàng tỷ đồng mà lâu nay thành phố vẫn phải chi cho đội quân nạo vét cống. Doanh nhân này cam kết, với công nghệ cao của Tập đoàn Quang Trung, việc giải quyết tình trạng ngập úng cho TPHCM vừa rẻ, bền và không cần nhiều lao động. Ông Cường còn tuyên bố sẽ “chữa” thí điểm một khu vực hết ngập cho TPHCM, “nếu không hết ngập không lấy tiền”. Đây là điều chưa từng có ai dám cam kết khi thực hiện dự án thoát nước tại TPHCM.
Người gỡ bí cho nhiều công trình lớn
Ông Cường cho biết, cách đây 7 năm, Tập đoàn Quang Trung đã từng thi công một số cầu vượt kết cấu thép tại TPHCM. Chính vì thế ông có thời gian gắn bó, đi lại trên các tuyến đường ở thành phố này. Nhiều lần chứng kiến cảnh đời sống người dân bị đảo lộn bởi ngập lụt, giao thông ùn tắc, hỗn loạn do triều cường và những cơn mưa lớn gây ra, ông rất trăn trở và quyết tâm tìm phương án chống ngập úng.
“Trước khi đề xuất phương án giải quyết tình trạng ngập úng cho TPHCM, tôi đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ nhiều kinh nghiệm thị sát một thời gian dài tại các tuyến phố, đồng thời dựa vào các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, đơn vị quản lý chuyên ngành cấp thoát nước của TPHCM từ nhiều năm qua” - ông Cường cho biết. Với các số liệu đo được từng tháng, từng quý, từng năm cho thấy, tình trạng ngập úng tại thành phố này ngày càng gia tăng. Hiện có 66 điểm ngập úng, trong đó có trên 40 điểm ngập thường xuyên và ngập nặng ở các quận 1, 2, Thủ Đức, Nhà Bè…
Theo ông Cường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng như trên là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến bê tông hóa bề mặt, khiến lượng nước mưa không thẩm thấu kịp xuống đất. Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn và bảo vệ các hệ thống cấp thoát nước của người dân còn hạn chế, vẫn còn việc xả rác thải bừa bãi, gây ách tắc dòng chảy. Tầm nhìn quy hoạch các hệ thống cấp thoát nước của thành phố còn bất cập, chắp vá. Hiểu rõ những nguyên nhân đó nên doanh nhân này tin rằng giải pháp của mình là cách tốt nhất để xử lý tình trạng ngập của TPHCM, chứ không phải là chuyện “chém gió” cho vui tai.
Chuyện ông nói được, làm được thực tế đã ghi nhận. Điển hình như Tập đoàn đã chế tạo thành công cầu trục có tải trọng 500 tấn cho Nhà máy thủy điện Sê San 3, Gia Lai năm 2005. Ông Cường cho biết, vào thời điểm đó, nếu mua 1 chiếc cầu trục có tải trọng tương tự của nước ngoài, giá sẽ đắt gấp 3 lần so với giá cầu trục do đơn vị ông sản xuất, chưa kể phải đợi cả năm trời mới có máy móc đưa về tới công trình. Đặc biệt năm 2008, doanh nghiệp ông sản xuất thành công cầu trục lớn nhất Việt Nam với tải trọng 1.200 tấn phục vụ cho các nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á là Sơn La và Lai Châu.
Từng trò chuyện với ông Thái Phụng Nê, Phái viên của Thủ tướng trên công trường thủy điện Sơn La, ông Nê khẳng định: Các sản phẩm do Tập đoàn Quang Trung chế tạo đều đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn và chất lượng, đáp ứng tiến độ cho công trình, chủ động về thời gian, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, đặc biệt là phát huy được nội lực sản xuất trong nước.
Ông Phạm Hồng Phương, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Lai Châu nắc nỏm: Doanh nghiệp của ông Cường đi đầu trong việc chế tạo cần cẩu siêu trường, siêu trọng. Một khi họ vận chuyển thành công cần cẩu nghìn tấn bằng đường thủy, “vắt” qua 2 đập lớn của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và Sơn La thì không có gì làm khó họ được.
-Trích báo Tiền Phong-